“Ung thư túi mật có nguy hiểm không?” từ trước tới nay luôn là thắc mắc của rất nhiều người bởi lẽ phần lớn bệnh nhân thường đến điều trị rất muộn, khi mà thương tổn giải phẫu đã vượt xa khả năng điều trị “phẫu thuật triệt để”. Hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây để cập nhật đầy đủ những thông tin về bệnh để có thể giải đáp thắc mắc bạn nhé!
Vai trò của túi mật và bệnh ung thư túi mật
Túi mật là một túi nhỏ, rỗng, hình quả lê, dài khoảng 8cm và rộng 2,5cm, nằm ở phía dưới, bên phải của gan. Túi mật có vai trò dự trữ, điều tiết dịch mật xuống đường tiêu hóa, giúp cơ thể tiêu hóa và hấp thu chất béo. Khi hệ tiêu hóa tiếp nhận chất béo, túi mật sẽ co bóp để tống đẩy dịch mật vào ống mật chủ xuống ruột non. Lúc này, chức năng của mật sẽ được phát huy. Đó là giúp phân hủy các chất béo, vận chuyển và hấp thu các vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, E, K) cũng như thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn trong cơ thể người.
Ung thư túi mật thường khó chẩn đoán do không có các triệu chứng đặc hiệu. Đồng thời, khối u nằm ở vị trí bị che lấp bởi gan nên tạo điều kiện cho ung thư phát triển mà không bị phát hiện.
Nguyên nhân gây bệnh ung thư túi mật
Chúng ta đều biết, lớp tế bào biểu bì bên trong lòng túi mật được thay đổi thường xuyên. Tế bào mới được sinh ra thay cho các tế bào đã già và chết đi. Khi có sự bất thường về ADN của tế bào biểu bì này, chúng sẽ sinh sản mạnh tạo thành các khối u. Hiện chưa có nguyên nhân rõ ràng gây ung thư túi mật, tuy nhiên, giới chuyên gia cũng chỉ ra một số yếu tố có liên quan như:
- Giới tính: Thường xuất hiện ở nữ nhiều hơn nam. Tỷ lệ nữ: nam khoảng 3:1.
- Tuổi tác: Tuổi càng cao càng có nguy cơ mắc bệnh.
- Bệnh lý sỏi túi mật: Từ các kết quả giải phẫu tử thi và giải phẫu bệnh phẩm, các chuyên gia nhận thấy ung thư túi mật thường có kèm sỏi túi mật.
- Các bệnh khác của túi mật: Có sự liên quan giữa những bệnh nhân có viêm túi mật mạn tính hoặc polyp túi mật. Polyp túi mật lớn hơn 1cm, có nguy cơ chuyển thành ung thư túi mật chiếm 2/3 các trường hợp.
Ung thư túi mật có nguy hiểm không?
Túi mật là một cơ quan có thành mỏng, có ba lớp sát nhau. Lớp biểu bì mặt trong túi mật, lớp cơ trơn bên ngoài và lớp thanh mạc bên ngoài cùng. Chính vì vậy khối u thường tiến triển nhanh, phát triển ra lớp cơ và ngoài thanh mạc, dễ dàng xâm lấn cơ quan lân cận và di căn xa.
Việc đánh giá ung thư túi mật có nguy hiểm không phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Các giai đoạn phát triển ung thư bao gồm:
- Giai đoạn I: Ung thư xuất hiện ở lớp biểu bì trong lòng túi mật.
- Giai đoạn II: Bệnh xâm nhập ra lớp ngoài của túi mật.
- Giai đoạn III: Khối u xâm lấn đến cơ quan lân cận như gan hay hạch bạch huyết hoặc di căn đến đường mật, tĩnh mạch cửa, động mạch gan.
- Giai đoạn IV: Khối u di căn xa đến các bộ phận khác của cơ thể.
Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, lúc còn ở lớp biểu bì trong túi mật, bệnh có thể được điều trị đơn giản bằng cách phẫu thuật cắt túi mật và tỷ lệ khỏi hoàn toàn cao.
Ở giai đoạn khối u xâm lấn đến lớp cơ, tỷ lệ điều trị khỏi và sống sót sau 5 năm là 70-85%. Tuy nhiên ở giai đoạn trễ hơn, khi khối u đã xâm lấn lớp thanh mạc bên ngoài thì tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ dưới 5%. Như vậy có thể thấy, chỉ cần ở giai đoạn 2 của bệnh, bệnh nhân đã có tỉ suất tử vong rất cao nên đây là một bệnh cực kỳ nguy hiểm.