Dinh dưỡng được đánh giá là vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, những tác dụng phụ của việc điều trị ung thư trên hệ tiêu hóa gây ra hàng loạt các vấn đề, vô tình làm cản trở sự hấp thu dinh dưỡng. Vậy những tác dụng phụ đó là gì và làm sao để hạn chế chúng? Hãy tham khảo bài viết dưới đây để tìm cho mình lời giải đáp phù hợp.
Tác dụng phụ của việc điều trị ung thư trên hệ tiêu hóa
Ung thư hay các phương pháp điều trị ung thư đều gây ra những tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, làm ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng, và ngược lại tình trạng dinh dưỡng kém cũng ảnh hưởng đến đáp ứng điều trị, hiệu quả điều trị ung thư và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Cụ thể:
Vấn đề tiêu hóa ở bệnh nhân điều trị bằng phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp cắt bỏ khối u và cả phần mô lành xung quanh nhằm loại các tế bào ung thư ở khu vực cư trú. Tùy vào vị trí và phương pháp phẫu thuật mà bệnh nhân có thể gặp một số vấn đề như tổn thương các mô và cơ quan lân cận, đau khắp toàn thân... Không chỉ vậy, tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đến cảm nhận ăn uống của người bệnh.
Đặc biệt, một số phẫu thuật trên đường tiêu hóa có thể khiến bệnh nhân khó ăn uống bình thường, phải cần một số biện pháp hỗ trợ như: Ăn qua sonde, dinh dưỡng đường tĩnh mạch.
Tác dụng phụ của hóa chất điều trị ung thư (hóa trị) trên hệ tiêu hóa
Hóa trị liệu là biện pháp điều trị hệ thống gây ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Tác động của các hóa chất điều trị không chỉ giới hạn ở tế bào ung thư mà còn ảnh hưởng đến các tế bào bình thường.
Việc điều trị bằng hóa trị có thể gây ra các vấn đề liên quan đến tiêu hóa như: Viêm màng nhầy, viêm thực quản, bất thường khẩu vị, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, thiếu máu, suy giảm chức năng hệ miễn dịch.
Những bất thường vị giác thường dẫn đến chán ăn, ăn rất ít, tiêu chảy hoặc táo bón. Các triệu chứng ngộ độc dạ dày, ruột thường không lâu, tuy nhiên, một số trường hợp điều trị phối hợp nhiều hóa chất có thể nặng và kéo dài.
Tác dụng phụ của xạ trị trên đường tiêu hóa
Ảnh hưởng của tia xạ thay đổi theo vùng chiếu.
- Xạ trị vùng đầu - cổ gây: Đau họng, nhiễm trùng miệng, viêm màng nhầy, khô miệng, mất cấu trúc răng lợi, thay đổi mùi vị, chán ăn, mệt mỏi.
- Xạ trị vùng ngực gây viêm thực quản kèm khó nuốt.
- Xạ trị vùng bụng có thể gây viêm dạ dày, viêm ruột cấp với biểu hiện: Buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chán ăn.
- Xạ trị toàn thân có thể gây tất cả các triệu chứng cấp tính, tùy theo mức độ. Khi xạ trị kèm hóa trị liệu còn gây ức chế miễn dịch.
Các triệu chứng kéo dài có thể làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng, sụt cân, mệt mỏi làm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Giải pháp dinh dưỡng cho bệnh nhân khi điều trị ung thư
Bệnh nhân ung thư trong quá trình điều trị thường khó tránh khỏi tình trạng mệt mỏi, chán ăn, hay những tổn thương trên đường tiêu hóa cũng ảnh hưởng nhiều đến khả năng ăn uống của bệnh nhân. Trong khi đó, nhu cầu về năng lượng và dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư lại cao hơn bình thường do tác động của khối u đến chuyển hóa. Vì thế, chế độ dinh dưỡng được khuyên cho bệnh nhân ung thư cũng đặc biệt hơn so với bình thường:
- Nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày. Ngoài bữa chính, nên bổ sung thêm 2-3 bữa phụ xen kẽ nhằm giúp bệnh nhân ăn và hấp thu được tối ưu.
- Bệnh nhân điều trị bằng hóa trị, xạ trị có tổn thương trên hệ thống tiêu hóa nên ăn những thực phẩm mềm, dễ nhai, nuốt như cháo, súp, mì, bún, bột ngũ cốc, sữa…; tránh ăn cay, mặn và các loại trái cây có vị chua nhiều.
- Các bữa ăn nên có nhiều carbohydrate phức hợp, ít mỡ, ít oxalate, nhiều protein, không có lactose.
- Bữa ăn cho bệnh nhân ung thư cũng cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế các hóa thực phẩm có khả năng nhiễm nhiều hóa chất, chất bảo quản độc hại.
Cho dù điều trị theo phương pháp nào thì việc chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư là hết sức cần thiết, ngay cả khi người bệnh có gặp các tác dụng phụ ảnh hưởng đến tiêu hóa hay không.