Hệ miễn dịch khỏe mạnh có ý nghĩa trong việc đảm bảo chất lượng cuộc sống của chúng ta, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân xâm nhập như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng,… đặc biệt là phòng ngừa u bướu hiệu quả. Vậy, hệ miễn dịch là gì và nó có vai trò như thế nào? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu những thông tin hữu ích trong bài viết dưới đây!

Hệ miễn dịch là gì?

Hệ miễn dịch là hệ thống phức tạp bao gồm tế bào, mô và cơ quan với những chức năng riêng biệt nhưng lại liên kết chặt chẽ với nhau nhằm bảo vệ cơ thể trước các mầm bệnh tấn công.

Tế bào tham gia chủ yếu vào chức năng của hệ miễn dịch là bạch cầu, gồm 2 loại:

- Đại thực bào: Có khả năng nuốt những tế bào lạ và các sinh vật xâm nhập vào cơ thể.

- Bạch cầu Lympho: Có chức năng chống lại các tác nhân lạ, đồng thời sản xuất những chất hoạt động giúp hệ miễn dịch ghi nhớ và nhận biết các yếu tố xâm nhập, nhờ đó mà cơ thể tiêu diệt được chúng.

Hệ miễn dịch trong cơ thể gồm những loại nào?

Hệ miễn dịch bao gồm:

Hệ miễn dịch tự nhiên (không đặc hiệu): Là khả năng tự bảo vệ sẵn có của cơ thể để chống lại sự xâm nhập của vi sinh vật (vi khuẩn, virus), ký sinh trùng, nấm,... Sở dĩ còn được gọi là miễn dịch không đặc hiệu vì đáp ứng miễn dịch ở đây không có tính chọn lọc, nghĩa là hiệu quả miễn dịch như nhau đối với mọi mầm bệnh.

Hệ miễn dịch thu được (đặc hiệu): Là khả năng cơ thể nhận diện và phản ứng lại các sinh vật lạ khi chúng xuất hiện. Đáp ứng miễn dịch ở đây mang tính đặc hiệu cho từng tác nhân gây bệnh (kháng nguyên). Miễn dịch đặc hiệu do 2 loại tế bào là tế bào Lympho B và tế bào Lympho T thực hiện: 

- Tế bào lympho B tiêu diệt kháng nguyên một cách gián tiếp bằng cách sinh kháng thể tương ứng kháng nguyên, kết tụ xung quanh, đồng thời làm suy yếu kháng nguyên và truyền tín hiệu cho các tế bào miễn dịch khác để cố định, loại trừ kháng nguyên.

- Tế bào lympho T tiêu diệt kháng nguyên một cách trực tiếp, thông qua việc nhận biết và gắn kết lên kháng nguyên tương ứng, tiết độc tố và tiêu diệt kháng nguyên. Ngoài ra, nó còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa và kiểm soát hệ miễn dịch, giúp cơ thể không mắc các bệnh tự miễn.

Hệ miễn dịch có vai trò như thế nào đối với cơ thể?

Hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây hại bằng hệ thống “hàng rào phòng thủ” từ tế bào, mô đến các bộ phận. 

- Hàng rào đầu tiên do hệ miễn dịch dựng lên để bảo vệ cơ thể là da và niêm mạc với vai trò ngăn cản sự xâm nhập của các tác nhân lạ vào cơ thể. Hàng rào này còn có các chất nhầy bao quanh niêm mạc (dịch nhầy quanh niêm mạc mũi, họng…), giúp bắt giữ các tác nhân lạ.

- Nếu vượt qua được hàng rào đầu tiên này, thì ngay khi vào đến cơ thể, tác nhân lạ sẽ gặp sự tấn công của các tế bào bạch cầu theo cơ chế miễn dịch tự nhiên: Bạch cầu trung tính và đại thực bào sẽ bao vây tạo thành túi kín chứa vật lạ, sau đó tiêu diệt bởi các enzym tiêu hóa trong túi thực bào. 

- Đối với hệ miễn dịch đặc hiệu, khi các kháng nguyên lạ xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ bị nhận diện bởi tế bào lympho T. Các tế bào này sau khi nhận ra kháng nguyên lạ sẽ kích thích hoạt động của các tế bào lympho T khác dẫn tới sự ly giải tế bào, tạo ổ viêm và thu hút đại thực bào đến thực bào. Đồng thời, tế bào lympho T sẽ kích thích tế bào lympho B trở thành tế bào plasma để sản xuất ra kháng thể đặc hiệu với từng kháng nguyên.

Tại sao hệ miễn dịch suy yếu làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt là u bướu?

Hệ miễn dịch tự nhiên và hệ miễn dịch thu được đều tham gia vào đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Từ đó, tạo nên hệ thống phòng thủ hoàn hảo. Một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp bảo vệ cơ thể khỏi vô vàn tác nhân gây hại. 

Khi có yếu tố lạ xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ nhận biết kháng nguyên và ngay lập tức sản xuất ra kháng thể để tiêu diệt. Vì vậy, khi hệ thống miễn dịch suy yếu, sẽ làm giảm khả năng phòng ngự của cơ thể, không sản xuất đủ kháng thể, không bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn, virus và không phát hiện tế bào lạ như tế bào u bướu để tiêu diệt. Đây là một trong những lý do tạo điều kiện cho những bệnh lý nguy hiểm phát triển, đặc biệt là u bướu.