Ung thư gan được chia thành ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát. Theo thống kê, trên thế giới, ung thư gan nguyên phát đứng thứ 5 ở nam giới, thứ 7 ở nữ giới và xếp thứ 3 về nguyên nhân gây tử vong do ung thư. Vậy nguyên nhân nào gây ung thư gan nguyên phát và cách chẩn đoán bệnh là gì? Hãy cùng tìm hiểu thông tin hữu ích trong bài viết sau đây!
Nguyên nhân nào gây ung thư gan nguyên phát?
Có 2 loại ung thư gan đó là: Ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát. Trong đó, ung thư gan nguyên phát là bệnh ác tính bắt đầu tại gan, do sự tăng sinh ồ ạt tế bào gan hoặc tế bào đường mật, gây hoại tử, chèn ép trong gan. Nguyên nhân gây bệnh được cho là do:
Xơ gan
Khi gan bị xơ sẽ đổi sang màu vàng nhạt, khối lượng giảm xuống, các mô gan được thay thế bằng mô xơ, sẹo, gan cứng, bề mặt sần sùi do các cục u nổi lên.
Viêm gan B, viêm gan C
Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan là do viêm gan B hoặc viêm gan C. Đây là 2 loại virus gây nhiễm trùng mạn tính, được ví như "sát thủ thầm lặng" dẫn đến xơ gan và ung thư gan.
Theo thống kê, trên 80% người mắc ung thư gan là do tiến triển từ virus viêm gan B, khoảng 5% là do virus viêm gan C. Tuy nhiên, cả viêm gan B và viêm gan C đều diễn tiến âm thầm, thường khi bệnh bước vào giai đoạn nặng (xơ gan, ung thư gan) mới có những biểu hiện rõ ràng hơn.
Rượu, bia
Uống rượu, bia thường xuyên là nguyên nhân gây xơ gan, dẫn đến ung thư gan. Khoảng 15% các trường hợp mắc u gan hcc do rượu.
Chẩn đoán ung thư gan nguyên phát bằng cách nào?
Ung thư gan nguyên phát là bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình điều trị. Dưới đây là một số phương pháp giúp chẩn đoán ung thư gan:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu với mục đích xác định nồng độ alpha - fetoprotein (AFP). Nếu nồng độ này trong máu tăng lên thì có thể là dấu hiệu của ung thư gan. Tuy nhiên, một số bệnh lý xơ gan, viêm gan,… cũng có thể làm tăng mức AFP, đôi khi mức AFP vẫn bình thường ngay cả khi bị ung thư gan.
- Chụp CT: Chụp CT hay còn được gọi là chụp cắt lớp vi tính, phương pháp này cho hình ảnh chi tiết về các bộ phận bên trong cơ thể. Từ đó, chuyên gia có thể quan sát những bất thường và chẩn đoán xem có khối u hay không.
- Chụp MRI (chụp cộng hưởng từ): Chụp cộng hưởng từ là phương pháp sử dụng sóng từ trường và sóng radio. Khi cơ thể bước vào quá trình chụp cộng hưởng từ, các nguyên tử hydrogen sẽ bị hấp thu và phóng thích năng lượng RF. Máy sẽ thu nhận quá trình phóng thích, xử lý và chuyển đổi những tín hiệu nhận được thành hình ảnh. Chuyên gia sẽ dựa vào hình ảnh để đánh giá xem có phải ung thư gan hay không.
- Siêu âm: Siêu âm là phương pháp sử dụng sóng siêu âm (sóng có tần số cao) để xác định hình ảnh của gan, từ đó, có thể đánh giá xem có tồn tại khối u hay không.
- Sinh thiết: Sinh thiết là phương pháp lấy một mẫu nhỏ của mô gan, quan sát dưới kính hiển vi để tìm ra các tế bào bất thường về cấu trúc, chức năng của chúng, từ đó xác định xem có phải ung thư gan không. Hai phương pháp sinh thiết phổ biến là sinh thiết chọc hút bằng kim nhỏ và sinh thiết kim lõi.
Sau khi chẩn đoán chính xác ung thư gan nguyên phát, việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp là vô cùng quan trọng. Hiện nay, các phương pháp điều trị ung thư gan phổ biến nhất là phẫu thuật, hóa trị, xạ trị kết hợp dùng sản phẩm thảo dược.