Suy giảm miễn dịch là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, nhất là những bệnh lý nguy hiểm như u bướu. Dưới đây là một số thói quen xấu làm suy giảm miễn dịch mà bạn có thể đang gặp phải.
Hệ miễn dịch của cơ thể có chức năng gì?
Cơ thể chúng ta khỏe mạnh hay không là nhờ vào hệ thống miễn dịch tốt hay không tốt. Hệ miễn dịch có thể được ví von như là một “bức tường thành” vững chắc bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại cho cơ thể từ bên ngoài như nấm, vi khuẩn, virus hay từ bên trong như các tế bào bệnh.
Vì thế, khi bị suy giảm hệ miễn dịch, các tác nhân gây bệnh có điều kiện tấn công và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Các nghiên cứu cũng chứng minh được rằng, những người có hệ thống miễn dịch suy giảm có nguy cơ cao mắc bệnh hơn những người bình thường, nhất là những bệnh lý nguy hiểm như u bướu.
7 thói quen xấu làm suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ mắc u bướu
Những thói quen trong cuộc sống hàng ngày chính là con dao hai lưỡi khiến cho hệ miễn dịch của bạn bị suy giảm trầm trọng. Một số thói quen sau có thể được kể đến như:
Ngủ không đủ giấc
Trong khi ngủ, cơ thể sẽ kích thích hệ thống miễn dịch để tấn công các loại vi khuẩn, virus mới. Nếu bạn ngủ không đủ giấc, cơ thể sẽ không có hoặc suy giảm khả năng chống lại bệnh tật. Thiếu ngủ liên tục trong vòng 6 ngày sẽ ngăn cản hệ miễn dịch kháng bệnh, làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý từ cảm cúm, nhiễm khuẩn đến tim mạch, tiểu đường, u bướu.
Thiếu ngủ làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nghiêm trọng
Ngồi cả ngày
Ngồi lì cả ngày, lười tập thể dục có thể làm cho bạn dễ mắc bệnh và khi mắc thì bị nặng hơn. Một nghiên cứu của tạp chí Y học thể thao Anh cho biết những người tập thể dục 1 tuần/lần thường mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp lâu hơn tới 42% so với những người tập luyện ít nhất 5 lần/tuần.
Chế độ ăn không hợp lý
Một chế độ ăn không hợp lý có thể làm suy giảm miễn dịch mà nhiều người thường không ngờ đến. Ví dụ như các loại chất béo bão hòa gây hại cho hệ thống miễn dịch, gây viêm. Ăn quá nhiều đồ ăn chế biến sẵn, mỡ động vật cũng không tốt cho cơ thể. Chính vì thế, lời khuyên các chuyên gia dinh dưỡng dành cho bạn là nên xây dựng một chế độ ăn khoa học, thông minh, nhất là tăng cường bổ sung những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, giúp trung hòa những gốc tự do gây hại trong cơ thể, kiểm soát quá trình oxy hóa hiệu quả.
Lạm dụng thuốc kháng sinh
Nhiều người có thói quen uống thuốc kháng sinh ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của bệnh viêm họng. Điều này hoàn toàn là sai lầm. Thuốc kháng sinh phá vỡ sự kiểm soát của hệ thống miễn dịch đối với các vi khuẩn tốt và xấu trong cơ thể. Nghiên cứu trên những con chuột đã chỉ ra rằng thuốc kháng sinh có thể làm giảm tế bào bạch cầu chống lại bệnh tật và các phân tử protein tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên.
Uống rượu nhiều
Rượu gây ức chế hệ miễn dịch. Uống rượu nhiều làm cho các tế bào bạch cầu hoạt động kém hiệu quả khi tấn công các vi khuẩn có hại và ngăn cản khả năng sản xuất các tế bào của cơ thể để tiêu diệt vi khuẩn, virus. Thậm chí, một ngày sau khi uống rượu, cơ thể vẫn “yếu” trong cuộc chiến chống lại bệnh nhiễm trùng.
Thừa cân
Một trọng lượng khỏe mạnh không chỉ giúp cơ thể thon gọn, mà còn bảo vệ bạn khỏi bệnh tật. Ngược lại, thừa cân có thể làm giảm số lượng các tế bào bạch cầu trong cơ thể. Ngoài ra, mỡ bụng và mỡ xung quanh các cơ quan trên cơ thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, dễ nhiễm bệnh.
Không uống đủ nước
Nước là thành phần rất quan trọng đối với cơ thể, giúp loại bỏ những độc tố ra ngoài. Nếu không uống đủ nước có thể khiến cho nước tiểu cô đặc, là môi trường cho các vi khuẩn gây bệnh xâm nhập và tồn tại trong cơ thể, gây ra những ảnh hưởng không nhỏ cho sức khỏe.