Ung thư thực quản là bệnh phổ biến ở ống tiêu hóa, có tỷ lệ tử vong cao bởi hầu hết các trường hợp phát hiện bệnh đều đã ở giai đoạn muộn. Vậy ung thư thực quản là tình trạng như thế nào? Nguyên nhân nào gây ung thư thực quản? Triệu chứng của ung thư thực quản là gì? Để giải đáp những thắc mắc này, mời bạn đọc cùng tìm hiểu thông tin hữu ích trong bài viết sau!

Ung thư thực quản là tình trạng như thế nào?

Ung thư thực quản là tình trạng các tế bào ác tính hình thành từ tế bào biểu mô của thực quản, xảy ra trong ống chạy từ cổ họng đến dạ dày. U thực quản hiếm gặp ở người dưới 40 tuổi, chủ yếu ở độ tuổi trên 50.

Ung thư thực quản được phân loại như sau:

- Ung thư tế bào tuyến bắt đầu từ các tuyến tiết chất nhầy trong thực quản, nó xảy ra thường xuyên nhất ở phần dưới của thực quản. 

- Ung thư tế bào vảy (tế bào mỏng dòng bề mặt của thực quản) thường xảy ra ở giữa thực quản. Ung thư tế bào vảy phổ biến trên toàn thế giới.

- Loại hiếm khác: Ung thư thực quản hiếm bao gồm ung thư tế bào mầm, ung thư hạch, u ác tính, sarcoma và ung thư tế bào nhỏ.

>>> Xem thêm: 6 nguyên tắc cơ bản trong dinh dưỡng giúp phòng ngừa u bướu

Nguyên nhân ung thư thực quản là gì?

Nguyên nhân nào gây ung thư thực quản? Đây là thắc mắc của không ít người, dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này:

Tuổi tác

Ung thư thực quản thường ít gặp ở bệnh nhân trẻ tuổi. Đa số các trường hợp xuất hiện ở người trên 50 tuổi.

Tiền sử mắc ung thư

Người đã từng mắc các loại ung thư khác có nguy cơ cao mắc ung thư thực quản.

Rượu, thuốc lá

Hầu hết người mắc ung thư thực quản có thói quen thường xuyên sử dụng các chất kích thích, trong số đó có rượu và thuốc lá. Điều này cũng giải thích tại sao ung thư thực quản lại thường gặp ở nam giới hơn nữ giới.

Trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý phổ biến và có nguy cơ ngày càng gia tăng, gây nguy hiểm bởi có tính chất bệnh mạn tính, đòi hỏi phải điều trị trong một thời gian dài. Bệnh kéo dài dẫn đến viêm thực quản, hẹp thực quản, và nguy hiểm hơn là gây biến chứng thành bệnh barrett thực quản – tổn thương tiền ung thư, dẫn đến ung thư thực quản. 

Thói quen ăn uống không khoa học 

Hay ăn nóng, uống nóng, thường xuyên sử dụng thức ăn chứa nitrosamin như mắm, dưa muối làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản.

Tiền sử gia đình

Trong gia đình có người thân mắc ung thư thực quản thì nguy cơ bị bệnh cao hơn gấp nhiều lần so với bình thường.

Mặc dù có rất nhiều nguyên nhân kế trên, nhưng chuyên gia cho biết nguyên nhân chính là do rối loạn quá trình chết tế bào theo chương trình. Bình thường, khi các tế bào mới được sinh ra thì các tế bào già, lỗi, lạ sẽ chết đi theo chương trình chết tế bào appotosis. Tuy nhiên, khi cơ thể tiếp xúc với tác nhân sinh ung thư như: Ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn, hóa chất, viêm nhiễm kéo dài,… làm rối loạn quá trình chết tế bào. Khi chỉ có tế bào mới sinh ra mà tế bào già, lỗi, lạ không chết đi, quá trình tăng sinh không được kiểm soát sẽ dẫn đến dị sản và loạn sản tế bào, hình thành tế bào tiền u bướu. Đây chính là nguyên nhân sâu xa và mầm mống hình thành u bướu nói chung và khối u thực quản nói riêng.

Ung thư thực quản triệu chứng như thế nào?

Ung thư nói chung và ung thư thực quản nói riêng nếu phát hiện sớm thì khả năng kéo dài sự sống sẽ cao hơn nhiều lần. Dưới đây là một số triệu chứng của bệnh:

Khó nuốt

Thời gian đầu, khi tổ chức ung thư còn khu trú, người bệnh thường có biểu hiện rối loạn khi nuốt, nhất là với thức ăn đặc. Cùng với chứng khó nuốt là nghẹn bởi ngoài vết thương tổn do khối u, bệnh thường kèm theo yếu tố viêm nhiễm, phù nề tại chỗ.

Triệu chứng nuốt nghẹn sẽ dần tăng lên, có thể nghẹn cả với thức ăn lỏng như cháo, nước.

Ho

Một vài trường hợp ung thư thực quản không có triệu chứng nuốt nghẹn bởi khối u nguyên phát không xâm lấn vào lòng thực quản. Thay vào đó, nếu khối u xâm lấn vào khí, phế quản người mắc có thể thay đổi giọng nói và ho dữ dội.

145828-ho_keo_dai.jpg

Ho là dấu hiệu của ung thư thực quản

Nôn

Nếu có hiện tượng dễ nôn mửa thì ung thư đã đến giai đoạn muộn, khối u tăng kích thước làm hẹp lòng thực quản. Nôn bắt đầu xuất hiện khi triệu chứng nghẹn đã hiển thị rõ rệt.

Tích tụ nước bọt

Khi bệnh nhân bắt đầu khó nuốt, hay nghẹn thì nước bọt hầu như không được đẩy xuống dạ dày. Chính vì thế, nước bọt tích tụ nơi vòm miệng và người bệnh luôn phải nhổ nước bọt.

Ung thư thực quản có mấy giai đoạn?

Ung thư thực quản được chia thành các giai đoạn sau:

- Giai đoạn 0: Ung thư giai đoạn 0 là tình trạng khối u mới phát triển và chưa lây lan sang các mô lân cận. Giai đoạn này thường có khả năng chữa khỏi cao, phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối u.

- Giai đoạn I: Giai đoạn này thường là khối u nhỏ hoặc chưa phát triển sâu vào các mô lân cận. Nó cũng chưa lây lan đến các hạch bạch huyết hoặc các bộ phận khác của cơ thể và thường được gọi là ung thư giai đoạn đầu.

- Giai đoạn II và giai đoạn III: 2 giai đoạn này khối u lớn hơn hoặc phát triển sâu hơn vào mô lân cận. Chúng cũng có thể đã lan đến các hạch bạch huyết nhưng không lan đến các bộ phận khác của cơ thể.

- Giai đoạn IV: Giai đoạn này là ung thư đã di căn đến các cơ quan hoặc bộ phận khác của cơ thể. Nó cũng có thể được gọi là ung thư tiến triển hoặc di căn.

Ung thư thực quản có chữa được không? 

Ung thư thực quản có chữa được không? Trả lời về vấn đề này, chuyên gia cho biết, bệnh có chữa được không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Giai đoạn bệnh, phương pháp điều trị, thể trạng cơ thể,... Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, đã đưa ra tỷ lệ sống thêm 5 năm sau chẩn đoán như sau:

- Bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn đầu (giai đoạn 1, giai đoạn 2): Lúc này các khối u chỉ khu trú trong thực quản thì tỷ lệ sống thêm 5 năm là 45%.

- Người bệnh ung thư thực quản ở giai đoạn 3: Trong giai đoạn này, khối u đã có sự xâm lấn tới các bộ phận và các hạch bạch huyết gần đó. Do vậy thời gian sống ngắn hơn so với giai đoạn đầu, tỷ lệ sống thêm 5 năm sau chẩn đoán là 24%.

- Bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn cuối: Khối u đã di căn tới các bộ phận xa hơn trong cơ thể, việc điều trị ngày càng trở nên rất khó khăn. Tỷ lệ sống thêm 5 năm sau còn rất thấp chỉ khoảng 5%.

Ung thư thực quản có nên mổ không?

Mổ hay phẫu thuật là một trong những phương pháp điều trị phổ biến. Đặc biệt, nếu ung thư thực quản ở giai đoạn sớm, phẫu thuật có thể điều trị khỏi bệnh. Tuy nhiên, ung thư thực quản có nên mổ không cần được cân nhắc kỹ lưỡng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

- Ung thư là ung thư biểu mô tuyến hay ung thư biểu mô tế bào vảy (ung thư biểu mô tế bào vảy đôi khi có thể điều trị bằng hóa trị và xạ trị đơn thuần).

- Kích thước của khối u.

- Khối u có xâm lấn vào thành thực quản không?

- Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác hay chưa?

- Thể trạng của người bệnh

Tuy nhiên, với hầu hết bệnh nhân, phẫu thuật không phải là phương pháp điều trị đầu tiên, vì ung thư thực quản thường phát hiện muộn. Vì thế, người mắc có thể được kết hợp hóa trị và xạ trị để thu nhỏ khối u và dễ dàng loại bỏ hơn.