Chế độ ăn uống là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến gia tăng nguy cơ u bướu. Do đó, chọn lựa thực phẩm nào, ăn bao nhiêu, cũng như cách chế biến như thế nào là những điều cơ bản cần phải lưu ý hằng ngày để phòng bệnh, nhất là với tình trạng thực phẩm bẩn vẫn còn tồn đọng ở nước ta. Dưới đây là 6 nguyên tắc cơ bản trong dinh dưỡng phòng u bướu được cập nhật từ các báo cáo khoa học và các viện nghiên cứu u bướu hàng đầu thế giới.

U bướu là gì?

U bướu là bệnh lý do sự rối loạn phát triển tế bào trong cơ thể. Bình thường, quá trình sinh mới và chết tế bào được điều hòa chặt chẽ theo chương trình apoptosis, bảo đảm tính toàn vẹn của các mô và cơ quan. Tuy nhiên, khi cơ thể tiếp xúc với các tác nhân sinh u bướu thì quá trình này bị phá vỡ, tế bào tăng sinh một cách vô kiểm soát và hình thành khối u trong cơ thể.   

d6ebenh-ung-thu.jpg

U bướu là gì?

6 nguyên tắc cơ bản trong dinh dưỡng giúp phòng ngừa u bướu 

Một số lưu ý trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày sau đây có thể giúp bạn phòng ngừa u bướu hiệu quả:

1. Chế độ ăn uống lành mạnh giúp duy trì cân nặng lý tưởng

Duy trì cân nặng lý tưởng rất quan trọng, bởi vì béo phì là nguyên nhân thứ hai có nguy cơ cao gây u bướu sau hút thuốc lá. Việc thừa cân làm tăng nguy cơ của 13 loại u bướu, do đó một chế độ ăn uống lành mạnh có thể gián tiếp giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh u bướu bằng cách kiểm soát trọng lượng và phòng ngừa bệnh béo phì.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên cung cấp nhiều thực phẩm chứa “đạm tốt” cho cơ thể. Đạm tốt tức các loại thịt, hải sản ngoại trừ các loại thịt chế biến sẵn (xúc xích, thịt xông khói, thịt muối…), hạn chế thịt đỏ (thịt gia súc như heo, bò, dê…).

Bên cạnh đó, cần hạn chế các thực phẩm có hàm lượng calo cao khác như thức ăn nhanh, nước ngọt, bánh kẹo, vì chúng góp phần làm tăng cân. Một chế độ ăn nhiều chất xơ, giảm đường bột vừa có thể trực tiếp ngăn ngừa sự tăng cân bằng cách giảm năng lượng hấp thu, vừa gián tiếp làm giảm cân do tăng cảm giác no, giảm cảm giác thèm ăn. 

2. Trái cây và rau củ có khả năng làm giảm nguy cơ u bướu

Các nghiên cứu cho thấy ăn trái cây và rau củ có thể làm giảm nguy cơ ung thư miệng, cổ họng, thanh quản và phổi, nhất là những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa. 

Nhiều hợp chất  khác nhau trong hoa quả có khả năng làm giảm khả năng phát triển của u bướu. Các chất dinh dưỡng này bao gồm:

- Các nhóm chất có hoạt tính kháng u bướu như carotenoid, folate, vitamin C, vitamin E, selen, flavonoid và các chất phytochemical khác.

- Chất xơ: Việc ăn các thực phẩm giàu chất xơ làm giảm nguy cơ u ruột là điều đã được khoa học chứng minh rõ ràng. 

- Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: Những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có thể trung hòa các gốc tự do trong cơ thể, kiểm soát và ngăn ngừa quá trình hình thành u bướu.

3. Ăn nhiều thịt chế biến và thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ u ruột

Ăn nhiều thịt đã chế biến sẵn và thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ u ruột. Thịt đỏ bao gồm các loại thịt gia súc như bò, heo, dê. Thịt chế biến bao gồm giăm bông, thịt xông khói, xúc xích, thịt muối và các sản phẩm tương tự.

4. Ăn quá mặn có thể làm tăng nguy cơ u dạ dày

Muối là một gia vị không thể thiếu đối với con người. Nhưng cũng như tất cả các chất khác, ăn quá nhiều muối đến một ngưỡng nhất định có thể dẫn đến tình trạng bệnh lý và tăng nguy cơ các bệnh nguy hiểm, trong đó có u bướu, ung thư.

Bên cạnh việc ăn mặn nói chung,  một số bằng chứng còn cho thấy ăn thực phẩm đã được bảo quản bằng muối, đặc biệt là rau củ ngâm muối, có thể làm tăng nguy cơ u bướu, nhất là u bướu ở hệ thống đường tiêu hóa. 

5. Giảm chiên, xào, nướng, áp chảo

Những món ăn được chế biến bằng nhiệt lớn như chiên, xào, nướng, áp chảo, từ lâu đã được chứng minh là tăng khả năng bị u bướu cho người dùng.

Có rất nhiều chất làm tăng nguy cơ u bướu được sinh ra do thực phẩm bị “sốc nhiệt”, nhất là các nhóm aldehyde sinh ra từ sự phân hủy chất béo (dầu mỡ), và các nhóm N-nitroso từ đạm. Thời gian nấu càng lâu, nhiệt độ càng cao thì càng sinh ra nhiều các chất độc hại này.

6. Ăn uống đa dạng giúp giảm sự tích tụ chất độc hại

Các độc tố tiềm ẩn trong thực phẩm vẫn còn là vấn đề lo ngại của nhiều người. Tuy nhiên, cần nhớ rằng: Không có chất độc hay chất bổ, chỉ có ngưỡng độc hay ngưỡng bổ.

Tức là, các chất gọi là độc chỉ có thể phát độc tố khi chúng được tích tụ đến một ngưỡng nhất định. Do đó, một cách đơn giản để hạn chế tác động của hiện trạng thực phẩm bẩn hiện nay là đa dạng hóa thực đơn hằng ngày, hay nói cách khác là thay đổi các món ăn thường xuyên. Tuy nhiên, cần hiểu là nên đa dạng hóa các thực phẩm tốt, bao gồm rau củ quả, ngũ cốc nguyên cám, và vẫn phải hạn chế các thực phẩm gây hại như thịt chế biến sẵn, thịt đỏ.