Một trong những biểu hiện ung thư thanh quản là người mắc cảm thấy khó khăn trong giao tiếp và hô hấp. Ngoài ra, họ còn gặp hàng loạt các triệu chứng khác khiến cuộc sống gặp nhiều rắc rối. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để nhận biết sớm các dấu hiệu để từ đó có biện pháp điều trị bệnh hiệu quả.

Các triệu chứng của ung thư thanh quản

Biểu hiện của ung thư thanh quản phụ thuộc vào từng giai đoạn, vị trí của khối u và thể trạng cơ thể. Dưới đây là một số triệu chứng cơ bản mà người bệnh hay gặp nhất:

Khàn tiếng

Đây là triệu chứng của ung thư thanh quản giai đoạn đầu. Khối u phát triển làm cho thanh môn bị hẹp lại, khiến giọng nói trở nên khàn. Tình trạng này ngày càng nặng và dẫn tới phát âm khó khăn, nặng hơn là mất tiếng.

Khó thở

Triệu chứng này có thể đi kèm hoặc sớm hơn so với khàn tiếng. Ban đầu, kích thước của khối u còn bé, khó thở ở mức độ nhẹ. Nhưng theo sự tiến triển của bệnh sẽ xuất hiện tình trạng khó thở theo cơn, trầm trọng nhất là bị kích thích gây co thắt thanh quản.

Khó nuốt

Kích thước khối u tăng lên và lan xuống vùng hầu họng dẫn tới khó nuốt. Việc ăn uống dần trở nên khó khăn hơn, khiến người bệnh chỉ có thể sử dụng thức ăn dưới dạng lỏng.

Ho

Đây là dấu hiệu phổ biến của nhiều căn bệnh trên đường hô hấp chứ không riêng gì ung thư thanh quản.

Đau

Xuất hiện khi khối u lan đến bờ trên của thanh quản. Đau khi nuốt và thường đau lan lên tai.

Khi nhận biết cơ thể có các biểu hiện của ung thư thanh quản, mọi người nên sớm hỏi ý kiến chuyên gia để biết mình đang ở giai đoạn bệnh nặng hay nhẹ, từ đó có phác đồ điều trị hiệu quả.

>>> Xem thêm: 7 dấu hiệu cho thấy khối u ác tính đang “ngự trị” trong cơ thể bạn

Cách điều trị bệnh ung thư thanh quản

Để điều trị ung thư thanh quản, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh một số phương pháp sau:

Phẫu thuật

Tùy theo vị trí, độ lây lan của khối u, tình trạng hạch di căn mà bác sĩ sẽ chỉ định một trong 2 phương pháp phẫu thuật sau:

Phẫu thuật bảo tồn (cắt một phần thanh quản)

Khi khối u còn khu trú, chưa di căn, phẫu thuật cắt một phần thanh quản là phương pháp điều trị phổ biến. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể thở và phát âm qua đường mũi. Nếu phát hiện sớm thì tỷ lệ sống trên 5 năm đạt 60 - 70%.

Phẫu thuật triệt căn (cắt bỏ hoàn toàn thanh quản)

Trong trường hợp đã có hạch di căn, phẫu thuật triệt căn được áp dụng. Sau điều trị, người bệnh phải thở qua lỗ của khí quản khâu nối ra vùng da cổ và phát âm qua thiết bị hỗ trợ. Tỷ lệ sống sau 5 năm khoảng 30 - 35%.

Xạ trị

Hiện nay, xạ trị là phương pháp rất phổ biến để điều trị ung thư thanh quản. Nguồn tia xạ được chiếu trực tiếp vào tế bào ung thư nhằm ngăn chặn sự phát triển và lây lan của khối u. Xạ trị thường dùng khi khối u chưa di căn. Có 2 phương pháp được áp dụng bao gồm:

- Xạ trị đơn thuần.

- Xạ trị kết hợp phẫu thuật.

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp đưa hóa chất vào cơ thể bằng đường tiêm hoặc đường uống nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa chất gây ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và tiềm ẩn nguy cơ gây tác dụng không mong muốn.

Hóa trị có thể áp dụng trước phẫu thuật để làm nhỏ kích thước khối u hoặc sau phẫu thuật để tiêu diệt tế bào ác tính còn sót lại. Tuy nhiên, kết quả mà phương pháp này mang lại vẫn còn đang gây tranh cãi.

Hóa trị điều trị ung thư thanh quản

Hóa trị điều trị ung thư thanh quản