U máu trong gan là bệnh lý khá phổ biến hiện nay, tỷ lệ mắc chiếm từ 5 - 7% ở người khỏe mạnh. Vậy u máu trong gan có nguy hiểm không? U máu trong gan thường gặp ở những đối tượng nào? Phương pháp chẩn đoán u máu trong gan là gì? Để có câu trả lời cho những thắc mắc trên, hãy cùng tìm hiểu thông tin hữu ích trong bài viết sau đây!

U máu trong gan có nguy hiểm không?

U máu trong gan là khối u lành tính, được tạo thành từ một mớ mạch máu hay u mạch máu gan. U máu trong gan thường có kích thước dưới 4cm hoặc lớn hơn. Bệnh thường gặp ở những người từ 30 – 50 tuổi và nữ sẽ có nguy cơ cao hơn nam giới. Vậy u máu trong gan có nguy hiểm không?

U máu ở gan có thể là một khối hoặc nhiều khối, thường khó để phát hiện ra bệnh. Chỉ khi đi kiểm tra sức khỏe, siêu âm gan hoặc chụp cắt lớp vi tính mới có thể nhận biết được. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp u máu trong gan nằm ở vị trí gây chèn ép hoặc có huyết khối trong khối u, biểu hiện ra các triệu chứng như đau bụng, gan sưng, buồn nôn,… Thậm chí, khối u gan bị vỡ ra khi ngã hoặc gặp chấn thương vùng gan sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ra, khi mắc u máu trong gan có thể xuất hiện một số biến chứng sau:

- U máu lan rộng: Những phụ nữ sử dụng liệu pháp hormone có thể khiến u máu trong gan phát triển lớn hơn.

- Gây ra các tổn thương gan.

- Đau: U máu trong gan kích thước lớn có thể khiến người mắc cảm thấy đau đớn ở góc phần tư phía trên bên phải của bụng, kèm theo cảm giác đầy hơi, buồn nôn.

- U bị vỡ: U máu trong gan quá to có thể bị vỡ, chảy máu trong ổ bụng, gây đau dữ dội. Tình trạng này thường xảy ra khi ngã hoặc bị chấn thương vùng gan, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Triệu chứng của u máu trong gan là gì?

U máu trong gan gây nguy hiểm cho người mắc, chính vì vậy, phát hiện sớm và điều trị kịp thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Một số triệu chứng của u máu trong gan bao gồm:

- Xuất hiện các cơn đau bụng ở phía trên và bên phải.

- Ăn ít nhưng vẫn luôn cảm thấy no.

- Thường xuyên buồn nôn hoặc nôn mửa.

- Hay mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon miệng.

- Gầy sút.

Mỗi người mắc u máu trong gan sẽ có các triệu chứng bệnh khác nhau do kích thước khối u, thể trạng cơ thể. Vì vậy, khi xuất hiện những triệu chứng trên thì không nên chủ quan vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo u máu trong gan.

Phương pháp chẩn đoán u máu trong gan

Hiện nay, các phương pháp phổ biến được sử dụng để chẩn đoán u máu trong gan như: Siêu âm, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ (chụp MRI), hoặc chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn photon (SPECT) giúp phát hiện bất thường ở gan thông qua hình ảnh.

- Siêu âm: Đây là phương pháp phổ biến, có thể thấy được các tổn thương ở gan, thông qua hình ảnh siêu âm để đánh giá được mức độ nặng nhẹ của bệnh, từ đó lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Đây là kỹ thuật chẩn đoán chính xác và hiệu quả. Hình ảnh các lớp cắt qua chụp cắt lớp sẽ thể hiện khác biệt so với gan bình thường, từ đó chuyên gia sẽ đưa ra những chẩn đoán chính xác hơn.

- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại bậc nhất hiện nay, bằng cách sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của gan, từ đó đánh giá tổn thương gan đang ở mức độ nào.