U tuyến vú xảy ra khi các tế bào ở ngực phát triển không thể kiểm soát được và hình thành nên một khối u ác tính. Loại bệnh ung bướu đặc thù này thường xảy ra với phụ nữ, dù đôi khi, đàn ông cũng có thể mắc phải. Tự phát hiện ra bệnh là một việc rất cần thiết để tránh tình trạng khối u vú bị di căn. Vậy làm thế nào để nhận biết được cơ thể bạn đang có những vấn đề ở tuyến vú? Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời trong bài viết sau!
Quá trình hình thành khối u bướu trong cơ thể diễn ra như thế nào?
Bình thường mỗi giây trong cơ thể chúng ta đều có những tế bào non được sinh ra và các tế bào già, lỗi, tế bào lạ bị chết đi – đây là quá trình chết tế bào theo chương trình apoptosis. Điều này tạo nên sự cân bằng, giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi chúng ta tiếp xúc với những tác nhân sinh u bướu như: Viêm nhiễm kéo dài, hóa chất, thực phẩm độc hại, ô nhiễm môi trường, bức xạ hạt nhân thì quá trình này sẽ bị rối loạn, cơ thể sẽ mất sự cân bằng giữa gốc tự do và chất chống oxy hóa, khiến tế bào bị tổn thương, mất năng lượng tế bào.
Để đảm bảo các tế bào liên kết với nhau thì cần hệ thống thông tin giữa các tế bào. Những tế bào già, lỗi, tế bào lạ xuất hiện sẽ bị hệ miễn dịch đến tiêu diệt. Nhưng nếu cơ thể tiếp xúc với những tác nhân trên sẽ khiến các tế bào bị mất năng lượng, mất thông tin liên lạc với nhau, sẽ khiến việc truyền thông tin về những tế bào già, lỗi, tế bào lạ không thể thực hiện, và những tế bào này không bị tiêu diệt.
Khi cơ thể chỉ có tế bào sinh ra mà không có tế bào chết đi, người ta gọi là quá trình tăng sinh tế bào. Sự tăng sinh tế bào không được kiểm soát sẽ dẫn đến dị sản và loạn sản tế bào, hình thành tế bào tiền u bướu (tổ chức xơ hóa ECM bao quanh tế bào u). Và đây chính là mầm mống hình thành khối u trong cơ thể, bao gồm các khối u ở vú.
4 cách để nhận ra dấu hiệu của u tuyến vú
U tuyến vú là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm đối với chị em phụ nữ trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, tỷ lệ người mắc u tuyến vú trên thế giới ngày càng tăng cao, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Ở Việt Nam, u tuyến vú đứng hàng đầu về tỷ lệ mắc và hàng thứ 3 về tỷ lệ tử vong ở nữ giới. Vậy làm thế nào để nhận biết sớm được dấu hiệu mắc u tuyến vú?
Lên kế hoạch kiểm tra ngực
Đánh dấu lên lịch thời điểm bạn cần phải tự kiểm tra ngực là lời khuyên đầu tiên các chuyên gia dành cho bạn. Hãy thực hiện việc này một lần một tháng, tốt nhất là trong vòng 5-7 ngày sau khi sạch kinh. Thường xuyên tự kiểm tra ngực sẽ giúp bạn cảm nhận được “sự bất thường” của bầu ngực. Treo lịch hoặc lời nhắc tự kiểm tra ngực trong phòng tắm hoặc phòng ngủ để không bị quên. Thêm vào đó, bạn có thể ghi chép lại những quan sát của bản thân để theo dõi tình trạng sức khỏe hàng ngày.
Kiểm tra bằng mắt
Đứng thẳng và chống hai tay vào hông, sau đó nhìn vào gương. Quan sát xem liệu hai bầu ngực có kích cỡ, màu sắc và hình dạng bình thường không. Nếu bạn có một trong những dấu hiệu sau đây, hãy đi gặp bác sĩ:
- Cương lên một cách rõ rệt dù bạn không ở trong giai đoạn hành kinh.
- Da bị lõm, nhăn hoặc phồng lên.
- Đầu ngực bị thụt vào trong.
- Núm vú bị kéo lệch.
- Đỏ, ngứa hoặc mềm nhũn.
Giơ tay lên và lặp lại việc kiểm tra bằng mắt
Quan sát dịch tiết ra từ đầu vú. Nếu có dịch chảy ra từ đó, hãy quan sát màu sắc (vàng hoặc trong suốt) và thành phần (có máu hoặc có màu vàng đục) thì hãy nói chuyện với bác sĩ để có được những chẩn đoán chính xác nhất, đặc biệt là ngực chảy dịch ngay cả khi bạn không hề nặn đầu vú.
Chạm vào ngực
Phương pháp này được thực hiện như sau: Nằm xuống, khép ngón trỏ, ngón giữa và ngón nhẫn của bàn tay phải lại. Dùng ba ngón đó ấn lên ngực trái theo đường tròn. Đường tròn nên có chu vi tối thiểu 2cm. Ấn nhẹ vào ngực theo một đường từ xương đòn xuống bụng. Sau đó, bắt đầu từ nách, đưa tay ấn nhẹ vào giữa. Lặp lại tương tự để kiểm tra bên ngực còn lại. Để đảm bảo rằng bạn đã kiểm tra hết toàn bộ ngực, hãy thực hiện theo từng đường dọc một. Tiếp theo, đứng lên hoặc ngồi xuống để lặp lại từ đầu. Dùng hai tay ôm bầu ngực. Sau đó:
- Cảm nhận những u cục hoặc những thay đổi khác. Hãy nói với bác sĩ về những khối u bạn phát hiện ra.
- Hãy ôm ngực với một lực từ nhẹ, tới vừa và chặt. Nói cách khác, hãy ấn quanh bầu ngực với một lực nhẹ, sau đó lặp lại với lực tăng dần. Bạn cần dùng lực ấn nhẹ để phát hiện ra những khác biệt tại vùng mô sát da. Lực ấn vừa đủ sẽ giúp bạn cảm nhận ở vùng sâu hơn, và lực ấn mạnh nhất sẽ giúp bạn cảm thấy phần mô ở sát xương sườn.