Hóa trị đã trở thành phương pháp không thể thiếu trong phác đồ điều trị u bướu. Hóa trị gây ra tác dụng phụ gì và cách khắc phục như thế nào? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu những thông tin hữu ích trong bài viết dưới đây!

Hóa trị là gì?

Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của các tế bào u bướu. Phần lớn các thuốc này đều được truyền qua đường tĩnh mạch, tức là thuốc được truyền vào cơ thể qua mạch máu, theo máu truyền đi khắp cơ thể.

Tác dụng phụ của hóa trị u bướu là gì?

Tế bào u bướu thường phát triển và phân chia nhanh hơn các tế bào lành, nên hóa trị chủ yếu tác động đến tế bào u bướu. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn có thể ảnh hưởng lên tế bào lành, do đó gây ra một số tác dụng phụ như: 

- Nôn ói: Tác dụng phụ của các thuốc hóa trị khiến người mắc u bướu thường cảm thấy buồn nôn. Và với tình trạng này thì nên phòng ngừa trước, vì khi nôn rồi rất khó kiểm soát.

hoa-tri-ung-thu-2-1.jpg

Hóa trị u bướu gây nôn ói

- Loét miệng: Thường gặp ở bệnh nhân kết hợp hóa trị và xạ trị, biểu hiện từ nhẹ đến nặng làm bệnh nhân đau đớn, khó ăn uống.

- Mệt mỏi và đau nhức cơ thể: Thường gặp sau khi truyền thuốc hóa trị u bướu. Bệnh nhân có thể cảm thấy chán ăn, khó thở, đau nhức cơ thể và hạn chế trong các hoạt động thể lực.

- Rụng tóc: Cơ chế tác động của thuốc hóa trị trong điều trị u bướu thường là gây hại cho các tế bào đang có khả năng sinh sản nhanh như biểu bì, nang lông, móng,…. Do đó, phương pháp này thường làm rụng tóc, rụng lông của các bộ phận trong cơ thể.

- Ngoài ra hóa trị u bướu còn gây ra các tác dụng phụ khác như: Tiêu chảy, bong tróc da, suy giảm miễn dịch do giảm bạch cầu,…

Cách khắc phục tác dụng phụ của phương pháp hóa trị u bướu như thế nào?

Tùy vào thể trạng, giai đoạn bệnh và loại u bướu mắc phải của mỗi người mà hóa trị gây ra những tác dụng phụ khác nhau. Dưới đây là một số cách khắc phục khi gặp phải tình trạng này: 

Với nôn ói

Để hạn chế tác dụng phụ này bạn nên thay đổi cách ăn uống và nếu tình trạng nặng thì có thể dùng thuốc chống nôn. Có nhiều loại thuốc khác nhau và tác dụng tùy thuộc vào thể trạng từng người, vì thế bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để tìm ra loại thuốc phù hợp với bản thân. Ngoài ra, thay đổi thói quen ăn uống cũng là cách giảm nôn ói hiệu quả. Bạn không nên ăn quá nhiều trước khi hóa trị u bướu, nên chia thành 5-6 bữa nhỏ thay vì 3 bữa lớn. Ngoài ra, người đang hóa trị cũng không nên ăn các món chiên xào hay nhiều dầu mỡ, món cay nóng,... Nếu buồn nôn vào buổi sáng thì lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng dành cho bạn là nên bổ sung những thực phẩm ngũ cốc, bánh mì nướng ngay sau khi thức dậy.  

Với tình trạng rụng tóc

Việc rụng tóc không phải là tình trạng xảy ra ở tất cả bệnh nhân hóa trị u bướu, một số người chỉ mất một ít tóc. Bác sĩ sẽ cho biết loại hóa chất bạn dùng có gây rụng tóc hay không và bạn cũng không nên lo lắng quá bởi thông thường, tóc sẽ mọc trở lại sau khi chữa trị xong.

Khi gặp phải tác dụng phụ này, bạn có thể áp dụng một số cách sau để hạn chế rụng tóc: 

- Dùng dầu gội loại nhẹ.

- Sấy tóc ở nhiệt độ thấp.

- Dùng lược mềm để chải tóc.

- Không uốn hay nhuộm tóc trong khi đang hóa trị u bướu.

- Nên dùng gối vải mềm và mịn.

Với tình trạng mệt mỏi và đau nhức cơ thể

Trong quá trình hóa trị u bướu bạn có thể cảm thấy mệt mỏi. Dưới đây là một số cách khắc phục: 

- Nghỉ ngơi hợp lý, nên nghỉ trong một thời gian ngắn, chia thành nhiều lần trong ngày.

- Vận động nhẹ như đi bộ có thể giúp giảm mệt mỏi.

- Ăn đủ chất và uống nhiều nước đặc biệt là nước trái cây.

Với tình trạng tiêu chảy

Hóa chất trị liệu có thể ảnh hưởng đến tế bào bên trong ruột và gây tiêu chảy. Một số cách sau đây giúp hạn chế tiêu chảy hiệu quả: 

- Hạn chế ăn đồ ngọt, uống cà phê hay rượu.

- Uống nhiều chất lỏng đặc biệt là các chất lỏng nhẹ (nước táo, trà loãng) để thay thế lượng nước bị mất khi tiêu chảy.

- Tránh uống sữa hay những thức ăn có nhiều sữa bởi sẽ làm cho tình trạng tiêu chảy nặng hơn.