Chuyên gia trả lời: Chào Thu Thủy, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Chắc hẳn bạn đang rất lo lắng về thực trạng mắc ung thư hiện nay. Chúng tôi xin cung cấp đến bạn một số thông tin như sau:
Triệu chứng ung thư ruột
Triệu chứng của ung thư ruột thường xuất hiện ở giai đoạn sớm hơn so với các nhóm ung thư khác. Tuy nhiên, những dấu hiệu này thường không rõ ràng hoặc dễ nhầm lẫn với các bệnh đường tiêu hóa. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp:
- Rối loạn tiêu hóa: Khi khối u xuất hiện trong đường ruột có thể cản trở quá trình tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn. Từ đó dẫn đến những rối loạn tiêu hóa thường gặp như đau bụng, tiêu chảy, táo bón.
- Xuất hiện máu trong phân: Điều này có thể xảy ra khi khối u đã lớn, chèn ép gây tổn thương và chảy máu ở lớp niêm mạc ruột.
- Đau bụng, đầy hơi, trướng bụng: Đây là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân ung thư ruột, nhưng nó thường gây nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa khác nên dễ bị bỏ qua.
- Thiếu máu: Người bệnh có hiện tượng hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, tỷ lệ hồng cầu giảm mạnh. Nguyên nhân có thể do khối u làm tổn thương lớp niêm mạc, gây chảy máu và ngăn cản hoạt động lưu thông máu đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Các xét nghiệm chẩn đoán ung thư ruột
Một số xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán ung thư ruột như:
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra số lượng hồng cầu trong máu.
- Nội soi: Đây là phương pháp được áp dụng phổ biến để chẩn đoán ung thư ruột. Tùy vào từng triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định nội soi đại tràng, tá tràng hay toàn bộ hệ thống đường ruột. Nội soi giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường ở niêm mạc đường ruột.
Nội soi giúp chẩn đoán ung thư ruột
- Siêu âm ổ bụng: Siêu âm bụng được sử dụng để xác định ung thư đã di căn chưa.
- Chụp CT hoặc MRI: Chụp cắt lớp vi tính CT tạo ra các hình ảnh 3 chiều của một số cơ quan cùng một lúc và có thể được sử dụng để kiểm tra ruột. Chụp MRI phản ánh hình ảnh cắt ngang chi tiết của cơ thể, cho thấy mức độ lây lan của khối u, thường được chỉ định khi bác sĩ nghi ngờ ung thư đang xâm lấn vào hệ bạch huyết và lan sang các cơ quan khác trong cơ thể.
- Chụp PET: Trong chụp PET, một lượng nhỏ glucose phóng xạ được tiêm vào cơ thể. Khi được quét, các tế bào ung thư sẽ sáng hơn, giúp bác sĩ phát hiện ra vị trí của chúng trong cơ thể.
Chúc bạn sức khỏe!
Chuyên gia Ung bướu